Tháng 7 được xem như là tháng Ăn Chay, đây là thời thời gian mà nhiều người quyết định ăn chay như một cách để cầu sự bình an, sức khỏe, thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng và để tưởng nhớ tới những người đã khuất. Cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm và tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Được biết đến như là một phương pháp ăn uống lành mạnh và tốt nhất cho sức khỏe. Ăn chay không chỉ mang đến lợi ích cho người ăn chay mà còn giúp cho môi trường, xã hội trở nên tốt hơn. Một chế độ ăn chay hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng giúp giảm bệnh tật và mang lại một cơ thể khỏe mạnh.
Đối với những người theo chế độ ăn chay thì việc này không có gì là khó, nhưng còn những người mới ăn chay hoặc ăn chay không thường xuyên thì sao. Chắc hẳn sẽ không ít người lo ngại khi ăn chay vì sợ không đủ chất dinh dưỡng. Vậy bài viết dưới đây sẽ giúp bạn ăn chay hiệu quả và dinh dưỡng trong mùa Vu Lan này.
Để ăn chay mang lại hiệu quả và dinh dưỡng chúng ta cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn của mình. Người ăn chay nên khéo léo cân đối các thành phần dưỡng chất bằng việc lựa chọn, kết hợp và chế biến đa dạng thực phẩm trong bữa ăn chay.
Cách ăn chay hiệu quả
Trong chế độ ăn hàng ngày, chúng ta phải đảm bảo có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng.
- Đầu tiên phải kể đến nhóm chất bột đường, trong đó có chứa chất đạm, vitamin nhóm B, C, E và nhiều chất xơ. Nhóm này có nhiều trong gạo, khoai, bắp, lúa mì cũng như các loại ngũ cốc khác.
- Nhóm thứ hai là chất đạm, có nhiều trong các loại đậu. Trong đó, đậu nành là thực phẩm được sử dụng nhiều nhất để chế biến các món chay. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chất đạm trong đậu nành cao gấp nhiều lần thịt bò. Điều đó chứng tỏ nguồn đạm từ thực vật phong phú không thua kém nguồn từ động vật.
- Chất béo có từ các loại hạt có dầu (đậu nành, mè, đậu phộng, hạt hướng dương, hạt gấc…). Nhóm này chứa axit béo không no, beta caroten (tiền chất vitamin A), vitamin E.
- Nhóm còn lại là vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ quả và trái cây. Chẳng hạn, những loại có lá màu xanh đậm, vàng như cam, cà rốt, cà chua, khoai lang, bí đỏ, dưa hấu cung cấp vitamin C, A và chất xơ. Bông cải xanh, rau cần tây cung cấp vitamin B9, vitamin C, beta caroten…
Bên cạnh đó, cần lưu ý những điểm sau:
- Dùng hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như: tương, chao, cải muối, dưa cải, cà muối… Đặc biệt, những người cao tuổi có tiền căn bệnh như: huyết áp, tim mạch, bệnh thận hay tiểu đường thì không nên sử dụng.
- Bổ sung các vi chất không có trong thức ăn chay như: kẽm, vitamin B12, acid folic…bằng cách uống các vi chất này dưới dạng thuốc bổ.
- Chế biến các món chay đúng cách như: không nên chiên xào quá nhiều; khi nấu hay luộc phải đậy nắp để vitamin trong rau củ không bị bay mất và nên đổ ít nước để chất bổ không bị loãng, tận dụng nước luộc làm canh; tránh nấu quá chín các loại rau xanh; đối với những thực phẩm khác, chỉ cần nấu đến khi chúng vừa chín tới…
- Ăn các loại thực phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng và uống khoảng 2 lít/ngày sẽ giúp cho thận đào thải các độc tố…
- Kết hợp cân bằng giữa ăn uống và tập luyện thể dục thể thao.
Để có phương pháp ăn chay đúng cách, phần lớn phụ thuộc vào cách bạn kết hợp thức ăn và tập luyện thể dục sao cho cân bằng với nhu cầu của cơ thể mà không nên áp dụng một cách máy móc. Sẽ không quá khó để thực hiện nhưng đòi hỏi người ăn phải có sự kiên trì và linh hoạt thay đổi món trong khẩu phần ăn, biết cách thay thế các thực phẩm để đảm bảo đủ những dưỡng chất cần thiết cũng như chế biến món ăn thu hút giúp kích thích thị giác… từ đó phát huy tối đa hiệu quả của việc ăn chay.
(Nguồn: hoidaubepaau.com/zing.vn)